Da đầu có thể bị nhiễm trùng nếu nấm hoặc vi khuẩn xâm nhập vào da đầu thông qua các nang tóc hoặc vùng da trầy xước, tổn thương. Kết quả dẫn đến các bệnh da đầu phổ biến, chẳng hạn như bệnh vẩy nến, á sừng, bệnh chàm…
Vi khuẩn có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng thông thường như chốc lở và viêm nang lông, ở một số cơ địa nhạy cảm có thể mắc phải các bệnh nghiêm trọng hơn như nấm hay hắc lào.v..v. Những căn bệnh này có thể không nghiêm trọng hay ảnh hưởng tới tính mạng nhưng lại gây ra không ít phiền phức cho người bệnh,
Các bệnh về da đầu thường sẽ có những dấu hiệu hay triệu chứng khác nhau như viêm loét, ngứa, đỏ ửng hay mủ. Tùy vào từng dấu hiệu khác nhau mà người ta sử dụng các loại kem hay thuốc bôi chuyên dụng để điều trị.
Sau đây mình sẽ tổng hợp những căn bệnh da đầu phổ biến, nguyên nhân và biện pháp điều trị để các bạn có giải pháp chữa trị phù hợp nhé!
1. Hắc lào
Hắc lào là một trong những bệnh da đầu phổ biến, là bệnh nhiễm nấm khá phổ biến ở người. Dấu hiệu của bệnh hắc lào là các vết đỏ hình tròn hay hình vòng cung xuất hiện trên da kèm ngứa rát khó chịu. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, da đầu cũng không ngoại lệ.
Hắc lào sẽ tạo ra các mảng vảy đỏ tròn ở bất kỳ vị trí nào trên da đầu, nếu không chữa trị kịp thời nó có thể lan ra nhiều điểm khác nhau trên da đầu và gây khó chịu cho người bệnh. Khả năng mắc bệnh hắc lào trên da đầu ở trẻ em nhiều hơn người lớn.
Nguyên nhân mắc bệnh hắc lào
Bệnh hắc lào có thể bị lây nhiễm từ người sang người hay từ động vật sang người, hoặc theo môi trường ẩm ướt, ví dụ như hồ bơi.
Vì vậy để tránh nguy cơ mắc bệnh, mọi người không nên dùng chung khăn hoặc vật dụng cá nhân. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc các động vật khác, các bạn nên rửa tay kỹ với xà phòng diệt khuẩn để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Cách điều trị
Nếu bạn có triệu chứng ngứa kéo dài hoặc thấy có dấu hiệu như kể trên thì nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và kê đơn. Thông thường với bệnh hắc lào trên da đầu, bác sĩ thường sẽ kê thuốc bôi với liều dùng kéo dài 2-3 tháng tùy vào khả năng phục hồi của da.
2. Viêm nang tóc
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào các phần tổn thương ở nang tóc dưới da dầu gây nhiễm trùng, từ đó gây ra một loại bệnh da đầu phổ biến gọi là viêm nang tóc. Viêm nang tóc sẽ tạo ra những chấm đỏ quanh chân tóc gây ngứa hoặc đau rát.
Nguyên nhân gây ra viêm nang tóc
Mọi người có thể bị viêm nang tóc do các nguyên nhân sau đây:
Cạo hoặc nhổ tóc
Thường xuyên sờ hoặc gãi đầu
Đội mũ quá kín hoặc lâu gây bí bách da đầu
Da đầu nóng và ẩm trong thời gian dài
Cách điều trị
Mọi người có thể giảm đau hay ngứa bằng cách đắp khăn ấm lên da đầu. Ngoài ra, các bạn cũng có thể sử dụng thuốc bôi để giảm viêm nhiễm, nhưng thông thường bệnh viên chân tóc sẽ tự khỏi nếu biết chăm sóc da đầu đúng cách.
Tìm ra nguyên nhân gây ra viêm nang tóc sẽ giúp các bạn dễ dàng điều trị hơn. Ví dụ như gần đây bạn có lỡ cắt tóc quá ngắn và ngay lập tức cảm thấy da đầu ngứa ngáy và khó chịu, bạn có thể sử dụng các loại thuốc mỡ làm dịu da hoặc đắp khăn giảm ngứa.
3. Vảy nến
Vảy nến là một bệnh da liễu kéo dài do hệ thống miễn dịch của cơ thể không tốt. Theo ước tính, cứ 100 người bị vảy nến thì có đến 50 người bị trên vùng da đầu. Những vùng da đầu bị vảy nến sẽ trở nên dày hơn và xuất hiện các mảng đỏ, hoặc vảy trắng.
Điều trị
Mọi người có thể điều trị vảy nến da đầu bằng cách sử dụng các loại kem bôi chuyên dụng, tia laser và thuốc uống. Tránh xa các tác nhân gây nên tình trạng nghiêm trọng về da đầu như hút thuốc, căng thẳng và tổn thương về da.
4. Chốc lở
Bệnh chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên.
Nguyên nhân gây chốc lở
Vi khuẩn Staphylococcus sống trên da và hầu như vô hại, nhưng chúng có thể gây nhiễm trùng nếu chúng xâm nhập vào vùng da bị tổn thương.
Một loại vi khuẩn khác có tên Streptococcus cũng có thể gây bệnh chốc lở . Vi khuẩn này có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc qua da, chạm vào đồ vật hoặc hắt hơi và ho.
Bệnh chốc lở phổ biến nhất ảnh hưởng đến khuôn mặt, đặc biệt là khu vực xung quanh mũi và miệng, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nơi da bị trầy xước, bao gồm da đầu. Bệnh chốc lở cũng có thể lây lan từ vị trí ban đầu sang các khu vực khác trên cơ thể.
Bệnh chốc lở khiến vết loét đỏ trên da vỡ ra, để lại lớp vỏ màu vàng nâu. Nó cũng có thể gây ra các mụn nước lớn, chứa đầy chất lỏng vỡ ra và để lại vết loét. Những vết loét và mụn nước này thường ngứa và có thể đau.
Bệnh chốc lở rất dễ lây lan. Một người có thể tránh lây nhiễm bằng cách tránh xa trường học hoặc nơi làm việc, rửa tay thường xuyên và che vết loét hoặc mụn nước bằng băng.
Điều trị
Kem kháng sinh có thể điều trị bệnh chốc lở. Các bạn nên thoa kem này trực tiếp vào các khu vực bị ảnh hưởng của da. Bệnh chốc lở sẽ hết trong khoảng một tuần.
Đôi khi, một người có thể cần phải uống thuốc kháng sinh. Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị tiêm kháng sinh.
5. Nấm da đầu
Nấm có thể xâm nhập vào da đầu khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi. Nấm có thể lây lan từ môi trường bên ngoài hay từ động vật sang người nếu gặp môi trường thuận lợi.
Nguyên nhân gây ra nấm da đầu
Có nhiều người bị nấm da đầu do cách chăm sóc tóc chưa đúng hoặc thói quen sinh hoạt chưa lành mạnh như:
- Thường xuyên đi ngủ khi tóc còn ướt
- Chăn gối ẩm mốc không được giặt và thay định kỳ
- Tiếp xúc với vật nuôi bị bệnh mà không rửa tay kỹ
- Tóc thường xuyên ẩm ướt
- Lười gội đầu
Cách điều trị
Các bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn điều trị. Trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc bôi để loại bỏ nấm. Nặng hơn có thể dùng thuốc hoặc tiêm.
6. Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là bệnh da liễu phổ biến cả ở người lớn và trẻ em. Ở trẻ em, viêm da tiết bã tạo ra các vảy trắng hoặc vàng bám quanh đầu trẻ, dân gian còn gọi là bệnh ‘cứt trâu’. Ở người lớn, viêm da tiết bã là nguyên nhân chủ yếu của gàu.
Cách điều trị
Ở trẻ em, viêm da tiết bã thường sẽ tự mất ở độ tuổi nhất định. Các bác sĩ thường sẽ khuyên các bà mẹ nên nhẹ nhàng gội đầu cho bé để loại bỏ những lớp vảy cứng đầu.
Còn với người lớn, thông thường các bạn có thể sử dụng các dòng dầu gội có thành phần tự nhiên, ít sulfate hoặc sử dụng dòng dầu gội sạch sâu để loại bỏ gàu. Trong trường hợp gàu nhiều gây ngứa khó chịu có thể hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu để điều trị.
7. Bệnh chàm da đầu
Bệnh chàm (hay còn gọi là eczema) xảy ra khi có hiện tượng giảm tiết bã nhờn trên da đầu. Bệnh chàm khiến da đầu trở nên khô, dễ bị kích ứng và nhiễm trùng.
Khi bị chàm, da đầu sẽ xuất hiện các mảng đỏ có ranh giới rõ ràng, khô, tróc vảy ngứa. Nếu để lâu ngày không được điều trị đúng cách, da đầu ngày càng dày lên, bị lichen hóa, bề mặt thô ráp, xùi xì và có thể nứt nẻ, chảy máu.
Cách điều trị
Một số bệnh chàm có thể bị dai dẳng kéo dài không thể khỏi hoàn toàn. Để có hướng điều trị phù hợp, các bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được kê đơn thuốc. Đôi khi phải kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi mới có thể làm giảm được các triệu chứng của chàm.
8. Á sừng
Á sừng xuất hiện ở những người thường xuyên để da đầu tiếp xúc với hóa chất độc hại từ môi trường làm việc. Trong một vài trường hợp có nguyên nhân từ việc sử dụng dầu gội đầu hay các loại thuốc uốn, duỗi, nhuộm tóc. Ngoài ra, á sừng cũng xuất hiện do yếu tố di truyền.
Bệnh á sừng không gây nguy hiểm nhưng có thể lây lan từ da đầu xuống phía dưới ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt và toàn thân, gây khó chịu. Vì vậy, các bạn nên thăm khám và chữa trị sớm nếu thấy các dấu hiệu sau:
Xuất hiện nhiều vẩy trắng mọc xếp lớp trên da đầu
Vẩy trắng có thể bong tróc để lộ ra một lớp sừng non, màu đỏ, dễ bị trầy xước khi cào gãi
Tóc dễ bị rụng, gãy
Cách điều trị
Thông thường các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi để làm giảm viêm và nhiễm khuẩn cho da đầu, bao gồm:
Các thuốc bôi bạt sừng như acid salycilic hay bôi các chế phẩm có steroid để giảm viêm như Gentrizone, Fucicort…,
Các kem dưỡng da, tăng độ ẩm cho da, làm mềm mịn da thường được sử dụng để thay thế, hạn chế tác dụng của các corticoid như Explaq
Ngoài ra, với các bệnh nhân bị á sừng, các bạn nên lưu ý tránh xa các sản phẩm hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa, xăng, dầu, khói thuốc…nếu không muốn bệnh nặng hơn.