Nối tóc là một trong những phương pháp tạo kiểu tóc được phái đẹp ưa chuộng. Phương pháp này sẽ giúp bạn biến hóa mái tóc thưa mỏng trở nên dày và dài hơn. Mặc dù việc nối tóc có thể giúp bạn sở hữu mái tóc đẹp, bồng bềnh nhưng đằng sau đó là những tác động tiêu cực mà ít ai lưu tâm.
Tìm hiểu: 7 cách chăm sóc tóc nhuộm giúp tóc chắc khỏe, đều màu
Có nên thực hiện nối tóc hay không?
Nếu bạn muốn sở hữu một mái tóc dài đẹp tự nhiên thì sẽ mất rất nhiều thời gian, cũng như phương pháp chăm sóc tóc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, với công nghệ nối tóc, bạn có thể sở hữu mái tóc đẹp ngay tức thì. Nhờ đó, mái tóc của bạn sẽ trở nên dài hơn, dày hơn và bồng bềnh như ý muốn.
Thật khó để phủ nhận những lợi ích mà phương pháp này mang lại. Thế nhưng, không phải ai cũng phù hợp để áp dụng kỹ thuật này. Theo các chuyên gia làm đẹp, nếu bạn sở hữu mái tóc yếu dễ rụng, khô xơ hay chẻ ngọn, thậm chí là bị nấm da đầu thì không nên thực hiện.
Theo đó, phương pháp này chỉ nên áp dụng cho những ai có mái tóc khỏe và cũng không nên quá lạm dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lựa chọn salon tóc uy tín để thực hiện.
Những tác hại tiềm ẩn của việc nối tóc
1. Khó chăm sóc và vệ sinh tóc
Một mái tóc tự nhiên sẽ dễ dàng gội, sấy hay tạo kiểu. Tuy nhiên, với mái tóc nối thì việc chăm sóc tóc cần cẩn thận, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, sau khi gội thì tóc nối cũng sẽ lâu khô hơn tóc tự nhiên. Nếu bạn thực hiện không đúng cách, có thể khiến tóc bị rối và mất dáng, làm gãy rụng tóc thật. Một số người vì sợ hỏng tóc nối nên cũng hạn chế gội đầu hơn, khiến mái tóc không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều tác hại với tóc và da đầu.
2. Ảnh hưởng đến da đầu
Nối tóc có thể gây ảnh hưởng đến da đầu do phần keo nối có thể nằm sát với chân tóc. Keo nối có chứa nhiều thành phần hóa chất và nếu nó tiếp xúc với da đầu có thể gây ngứa, kích ứng, viêm chân tóc…
3. Tóc khô xơ, dễ chẻ ngọn
Tác động của hóa chất sẽ khiến mái tóc trở nên yếu, tóc khô xơ, và chẻ ngọn. Lớp keo dính chính là nguyên nhân khiến tóc trở nên khô, xơ rối hơn. Hơn nữa, khi nối tóc cũng cần sự can thiệp của nhiệt độ cao. Do đó, có thể làm tóc bị hư tổn. Vậy nên, bạn cần sử dụng các sản phẩm ủ tóc cũng như dầu xả tốt để giúp tóc trở nên mềm mượt hơn.
4. Tóc bị gãy rụng
Sau khi thực hiện phương pháp này, mái tóc thật của bạn sẽ chịu thêm lực kéo của tóc được nối vào. Lâu dần, tóc thật của bạn sẽ giãn ra, kém đàn hồi và chân tóc trở nên yếu hơn, dễ gãy rụng.
5. Tóc nối là nơi vi khuẩn và nấm trú ẩn
Nối tóc sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn khi gội đầu. Vì thế, mái tóc của bạn sẽ là nơi lý tưởng để vi khuẩn trú ngụ. Từ đó, tóc nhiều gàu hay thậm chí gây nên tình trạng nấm da đầu, viêm chân tóc. Vi khuẩn cũng có thể ẩn nấp trong các mối nối, khiến da đầu bạn luôn ngứa ngáy, khó chịu.
6. Tóc mọc chậm, thiếu sức sống
Sau khi nối tóc, mái tóc bạn sẽ bị rụng nhiều và mọc rất chậm. Điều này đã được chứng minh bởi nhiều người thực hiện phương pháp này. Thậm chí, một số người sau khi gỡ tóc sẽ phát hiện da đầu xuất hiện những mảng không có tóc.
7. Luôn cảm thấy khó chịu
Bạn đã quen với mái tóc tự nhiên của mình? Khi nối tóc thì mái tóc trở nên dày cộm, không thoải mái. Hơn nữa, việc buộc tóc cũng rất khó khăn, nếu bạn không cẩn thận có thể sẽ làm bung mối nối và làm rụng tóc.